Giới thiệu về Yamazaki 18 năm tuổi
Yamazaki 18 Year Old đã trở thành một trong những loại single malt whisky được săn lùng nhiều nhất thế giới. Nó được công nhận là một trong những chai whisky có chất lượng bậc nhất, thậm chí giới hâm mộ còn gọi nó là chai whisky “tiệm cận sự hoàn hảo”. Yamazaki 18 đã giành nhiều giải thưởng, bao gồm Single Malt Whisky Nhật Bản tốt nhất tại giải thưởng Whisky Thế Giới, và 2 giải Vàng tại cuộc thi rượu mạnh thế giới tại San Francisco.
Bất kể bạn suy nghĩ thế nào, có thể bạn không đánh giá cao các cuộc thi rượu mạnh hoặc quan điểm của giới tiêu thụ rượu cao cấp, thì bạn cũng không thể bỏ qua chất lượng thật sự của Yamazaki 18. Đó cũng là một trong những lý do mà tốc độ tăng giá của Yamazaki 18 năm tuổi còn kinh khủng hơn những chai Macallan Sherry Oak. Từ khoảng 130 USD vài năm trước, giờ đây giá của chúng là hơn 1000 USD và kể cả khi có tiền, mua chúng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Liệu chúng có thực sự xứng đáng?
Đối với những ai đã thưởng thức Yamazaki 12, thì Yamazaki 18 không chỉ là phần tiếp theo một cách đơn điệu. Chai whisky này được tạo ra bởi 80% từ thùng gỗ sồi sherry Tây Ban Nha, 10% gỗ sồi Mỹ mới, và 10% thùng gỗ sồi Mizunara. So với các loại gỗ khác thường dùng để ủ rượu whisky, Mizunara hiếm hơn, giòn hơn, khó uốn cong và tất nhiên là đắt hơn. Nó bổ sung một lớp hương thơm đặc biệt, tạo ra một sự kết hợp vô cùng phức tạp, bí ẩn. Có thể nói, bản 18 năm tuổi tỏ ra khá vượt trội với Yamazaki 12, không chỉ nằm ở 6 năm trưởng thành mà còn ở bí quyết pha trộn.
Yamazaki 18 năm tuổi được đóng chai ở mức 43% ABV và có dung tích 700ml. Sản phẩm hiện đã ngưng sản xuất và còn hàng tại Malt & Co.
Yamazaki 18 Year Old Tasting Notes
Hương: Ấn tượng ban đầu là vị ngọt đậm đà xen lẫn với cảm giác ấm áp nồng nàn đến từ ảnh hưởng của thùng sherry. Nho khô, táo và các loại hạt, rất gần với Scotch Whisky. Tất nhiên đây không phải sherry bomb như Aberlour hay Glenfarclas, nhưng có độ tương đồng nhất định khi vị ngọt và hương gỗ sồi nhẹ, gia vị gỗ hòa quyện với nhau rất hoàn hảo.
Vị: Hương vị sherry lập tức xuất hiện khi chất rượu lướt trên đầu lưỡi. Vị ngọt xếp tầng, cuộn qua lưỡi và bao phủ khắp khoang miệng. Bạn vẫn sẽ tìm thấy âm hưởng chủ đạo đến từ thùng sherry: chocolate đen, ca cao, các loại hạt, các loại trái cây đen. Dần sau đó, những làn khói và tro mờ ảo hiện lên, rất có thể chúng là kết quả của loại thùng than bùn nào đó không được công bố. Vị ngậy đặc trưng của whisky Yamazaki cũng hiện lên ở đoạn cuối, cùng quả mâm xôi và các loại gia vị. Chất rượu tạo ra cảm giác dày và đậm đà hơn mức ABV 43% được niêm yết trên chai.
Hậu vị: Kết thúc dài với đường nâu nhạt, vani và gỗ đàn hương cùng nhiều loại trái cây khô hơn cả trong vòm miệng. Kết thúc này giống như bạn đi bộ qua một ngôi nhà cũ bằng gỗ đàn hương, và bên trong sản xuất kẹo ngọt vậy. Mọi thứ đều chỉ là thoảng qua nhưng chúng dai dẳng và bao quanh bạn cho tới khi biến mất hoàn toàn.
NHÀ MÁY CHƯNG CẤT YAMAZAKI
Nhà máy chưng cất Yamazaki hiện nay đã trở nên rất nổi tiếng. Yamazaki cũng là cái tên đi đầu trong ngành whisky Nhật Bản, cũng như là người tiên phong của tập đoàn Suntory, thế nhưng mọi thứ mới chỉ đang mới bắt đầu.
LỊCH SỬ RA ĐỜI NHÀ MÁY YAMAZAKI
Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp whisky Nhật Bản những năm gần đây thực sự đã gây chú ý của toàn thế giới. Tất cả mọi người đều “khao khát” có được những chai whisky Nhật, danh tiếng của các nhà chưng cất tăng vọt, doanh số liên tục phá kỷ lục, hàng loạt giải thưởng được trao tặng và tất nhiên, số lượng sẽ ngày càng khan hiếm còn giá thì leo thang từng ngày. Yamazaki chính là cái tên đã mang lại thành công, hoặc cũng có thể nói là “một cuộc khủng hoảng dễ chịu” cho ngành whisky Nhật Bản.
Nhà máy chưng cất Yamazaki được thành lập bởi Shinjiro Torii – đồng thời cũng là nhà sáng lập tập đoàn đồ uống nổi tiếng Suntory vào năm 1923. Yamazaki trở thành nhà máy chưng cất whisky đâu ftiene của Nhật Bản. Tọa lạc dưới chân núi Tenno tại thị trấn nông thôn Yamazaki, Shinamoto, Osaka, nơi được mệnh danh là vùng đất có nguồn nước tinh khiết nhất – bởi đây cũng là nơi ba con sông Katsura, Uji và Kizu hội tụ. Khu vực này nổi tiếng với khí hậu sương mù và nước mềm, đến nỗi Sen no Rikyu, bậc thầy trà đạo Nhật Bản đã thành lập Đạo quán của mình tại Yamazaki. Theo những gì Suntory công bố, Torii đã lấy cảm hứng từ truyền thống của Scotch Whisky nhưng kết hợp với những yếu tố thiên nhiên đặc biệt của nơi đây để tạo ra sự khác biệt.
Torii bắt đầu sự nghiệp của mình tại một công ty bán buôn dược phẩm, đồng thời cũng bán đồ uống có cồn phương Tây. Năm 1899, ở tuổi 20, ông thành lập Torii Shoten tại Osaka và bắt đầu sản xuất rượu vang. Akadama Port Wine – một loại vang ngọt của Bồ Đào Nha đã khá thành công 8 năm sau đó. Sau này, cuộc gặp gỡ định mệnh của ông với Masataka Taketsuru đã khơi dậy niềm đam mê vốn có với whisky, ông đã hạ quyết tâm tạo ra thứ whisky riêng biệt của Nhật Bản với niềm tự hào dân tộc, và kết quả chính là nhà máy chưng cất Yamazaki.
YAMAZAKI – NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO WHISKY NHẬT BẢN
Khi Yamazaki được xây dựng và chưng cất những mẻ đầu tiên vào năm 1924, thì chính Torii cũng trở thành Malt Master đầu tiên của nhà máy. Sản phẩm đầu tiên của whisky Nhật Bản có tên Suntory Whisky “Shirofuda” hay Suntory Whisky “White Label” được xuất xưởng năm 1929, và tất nhiên đây là một chai Blended whisky. Tuy nhiên, thị trường không hào hứng lắm với sản phẩm mang tính lịch sử này, do Nhật Bản là thị trường khá “khó tính” và họ không hài lòng với chất lượng của chúng khi so sánh với Scotch. Phải đến năm 1937, Suntory mới thực sự có được sự công nhận với sự ra mắt của Suntory “Kakubin” (hay còn gọi là chai vuông), thứ sau này đã trở thành một trong những huyền thoại whisky Nhật bán chạy nhất thế giới.
Yamazaki tiếp tục mở rộng việc sản xuất trong những năm 1940 và 1950, tất nhiên lúc này người tiêu dùng vẫn chỉ biết đến chúng với cái tên Suntory whisky. Năm 1961, con trai của Torii, ông Keizo Saji trở thành chủ tịch đời thứ hai của Suntory, và đây chính là sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Ông đã cho xây dựng thêm các nhà máy Hakushu và Chita vào năm 1970 để thử nghiệm nhiều loại hỗn hợp pha trộn hơn, trong đó Hakushu là whisky mạch nha còn Chita là whisky ngũ cốc. Cho đến những năm 1980, whisky từ Yamazaki vẫn chỉ xuất hiện trong Blended whisky Suntory, nhưng chính Saji là người đi tiên phong trong việc đóng chai dạng Single Malt riêng của nhà máy vào năm 1984, bắt đầu với Suntory Single Malt Whisky Yamazaki và sau đó là Yamazaki 18 Year Old năm 1992. Năm 1980 cũng là cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử của nhà máy chưng cất này. Saji đã tiến hành đầu tư và mở rộng nhà máy để có thể tăng sản lượng và đa dạng hóa thành phẩm. Nhờ vậy, đến năm 1989, họ đã tạo ra được nhiều loại single malt whisky khác nhau bằng cách thiết kế đa cột tĩnh.
YAMAZAKI VÀ QUÁ TRÌNH TĂNG SỨC ẢNH HƯỞNG
Năm 2013, nhà máy thêm một lần nữa được mở rộng với việc bổ sung thêm 4 bộ cột tĩnh, nâng tổng số lên 12 và tăng thêm 40% công suất mỗi năm. Một năm sau đó, Suntory mua lại Beam Inc với giá 16 tỷ USD và trở thành tập đoàn rượu mạnh lớn thứ 3 thế giới – Beam Suntory. Nhờ đó, Yamazaki cũng mở rộng cánh cửa đến với người hâm mộ trên toàn thế giới chính nhờ hệ thống kênh phân phối khổng lồ của Beam Inc trước kia (nổi tiếng với Jim Beam và nhiều sản phẩm Whiskey Mỹ khác). Đây cũng là tiền đề để Yamazaki cũng như whisky Nhật Bản nói chung bắt đầu quá trình bùng nổ toàn cầu và gặt hái những thành công chưa từng có.
Và một hậu quả tất yếu của việc đó chính là khan hàng. Năm 2014, toàn ngành whisky Nhật Bản thông báo tình trạng thiếu hàng trầm trọng, và họ cũng chọn giải pháp tương tự The Macallan, tung ra những chai whisky không số (NAS – No Age Statement). Yamazaki Distiller’s Reserve và Hakushu Distiller’s Reserve, được coi là “chương tiếp theo của rượu whisky Nhật Bản”. Yamazaki Distiller’s Reserve được tạo ra từ hỗn hợp whisky có độ tuổi từ 8 đến 20 năm được ủ trong thùng rượu vang Bordeaux, thùng sherry và thùng Mizunara cùng thùng gỗ sồi Mỹ, và đã thu được sự thành công hơn cả mong đợi.
Cho dù tập trung nhiều vào Single Malt Whisky không số, nhưng Shinji Fukuyo, Malt Master tại thời điểm đó của Suntory vẫn tuyên bố họ không bỏ qua dòng sản phẩm cốt lõi có niêm yết số năm tuổi: “Tôi tin rằng Yamazaki Distiller’s Reserve đã cho thấy giá trị của whisky không chỉ được xác định bởi các giai đoạn trưởng thành. Tôi hi vọng nó đã mở ra cho người tiêu dùng những giá trị mới của whisky Nhật Bản. Và tất nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi giá trị của sự lão hóa theo thời gian và cả các yếu tố khác.”
Một sản phẩm không số khác từ Yamazaki cũng đã trở nên nổi tiếng vào năm 2014, khi nó bất ngờ giành được giải thưởng không chính thức “Whisky of the Year” do chuyên gia Jim Murray đã đề cập đến trong cuốn Whisky Bible 2015 của mình. Đó chính là Yamazaki Sherry Cask 2013. Điều đó đã tạo ra một cơn bão trong thế giới whisky, và nó đã cháy hàng trong chớp mắt, bởi chất lượng, danh tiếng cũng như giá thành quá sức hấp dẫn. Đó là vào thời điểm trước đây, còn hiện tại, bạn không thể sở hữu nó nếu không bỏ ra ít nhất 4000 USD (giá gốc là 120 USD).